Tuần trước, mẹ tôi ở quê gởi rau tiếp tế mùa dịch cho tôi, nhận được rau, tôi mừng vô cùng, bởi không những được tiếp tế rau ngon giữa đại dịch mà gói trọn bao tấm chân tình của mẹ giành cho tôi,là cả một trời tuổi thơ vời vợi bay về khi nhìn trong thùng rau, tôi thấy có cả Rau Sam Đất. Món ăn quen thuộc thuở nhỏ của chúng tôi, những thế hệ 7x.
Rau sam ăn đơn giản nhất là luộc chấm mắm tỏi ớt
Bữa cơm chiều hôm nay, tôi đang ngồi nhặt rau sam, con trai tôi – đã 21 tuổi – cũng từng sống ở quê 14 năm – liền hỏi: “Mom, đây là rau gì? có ăn được không? “.
Tôi chột dạ, có bao nhiêu người sẽ có cùng câu hỏi như con trai tôi.
Rau sam là “vị thuốc trường thọ” và được sử dụng để chữa nhiều bệnh. Theo các tài liệu cổ, rau sam có vị chua, tính lạnh, giúp thanh nhiệt giải độc, trị sốt, kiết lỵ, tiêu chảy, tiêu ra máu, giun sán, chàm, mụn nhọt, ho lâu ngày.
Rau sam, tên khoa học là Portulaca oleracea, thuộc họ Rau sam (Portulacaceae), sống được một năm và có chiều cao phát triển lên đến 40cm.
Thân mọng nước, trơn nhẵn, có màu hơi đỏ/tím đỏ và bò sát mặt đất cùng với các lá xanh mọc xen kẽ hoặc mọc đối với nhau. Phần rễ cây rau sam gồm có rễ cái và nhiều rễ thứ dạng sợi, có khả năng chịu hạn rất tốt, thậm chí là đất nghèo dinh dưỡng.
Hoa có 5 cánh, màu vàng và đường kính hoa tới 0,6cm. Hoa nở sớm hay muộn tùy thuộc vào tình trạng mưa nhiều hay ít, nhưng thường ra hoa vào khoảng cuối mùa xuân đến giữa mùa thu. Các hạt nằm trong quả nhỏ có hình đậu và nở ra khi chúng phát triển. Thân, lá và nụ hoa của cây rau sam đều có thể dùng được
Thân màu tím nâu, hoa 5 cánh, lá mọng dầy
Dù gọi là rau sam nhưng cách thức phát triển của nó không khác gì loài cỏ dại, được sử dụng trong nhiều món ăn với vị hơi chua và vị mặn đặc trưng như trộn làm salad, đem luộc như các loại rau khác hoặc cách nấu tương tự như rau bi na. Ngoài ra, rau sam có chất nhầy nên cũng được thích hợp để làm món súp hoặc thịt hầm Tôi nhớ hồi nhỏ, khi tôi bị kiết lỵ ra máu, mẹ tôi đã nấu cháo trắng rau sam cho tôi ăn 3 ngày liên tục và hết hẳn bệnh đến nay chưa tái phát lại lần nào.
Rau sam nằm trong số ít loài cây có chứa EPA omega-3 chuỗi dài cũng như chứa các axít béo omega-3 nhiều hơn các loại rau ăn lá khác. Đây là loại rau chứa nhiều loại vitamin (nhất là vitamin C, vitamin B, các carotenoid) và nhiều khoáng chất (như canxi, sắt, kali và magie).
Đặc biệt, rau sam có 2 hợp chất chống oxy hóa đã và đang được nghiên cứu trong nhiều thí nghiệm, đó là: chất betacyanin màu đỏ (chứa trong thân cây màu hồng/đỏ) và chất betaxanthin màu vàng (chứa trong hoa và những phần khác của lá có màu vàng).
Trung bình cứ 100g rau sam gồm có các chất dinh dưỡng:
- Năng lượng: 20kcal
- Nước: 92,86g
- Carbohydrate: 3,39g
- Chất đạm: 2,03g
- Vitamin E: 81% DV
- Vitamin C: 25% DV
- Khoáng chất: 65mg canxi, 68mg magie, 44mg phốt pho, 494mg kali,….
Chiều nay, tôi đã luộc rau sam đất đãi cả nhà, ai cũng tấm tắc vì sự khác lạ của rau. Rau luộc lên ăn thì có vị chua thanh, nước luộc thì lại rất mát dịu và kg hề chua tí nào.
Sau khi luộc, chấm với nước mắm tỏi ớt, thì còn gì bằng
Vậy thì còn chần chừ gì nữa, nếu bạn có cơ hội để thưởng thức rau sam, hãy chớp thời cơ nhé. Món ngon quanh quanh, thuốc bổ quanh ta, nhiều khi ta vô tính lướt qua nó, thì thật lãng phí phải không nào ?
BAOAN
Xem thêm: