Tôi nghĩ chúng ta nên nghĩ tới điều này từ 3 tháng trước thì có lẽ tình hình đã tốt hơn. Từ tháng 5 đến nay, cả nước ta tập trung mọi nguồn nhân lực vào Covid, làm những vấn đề khác bị đứt gãy, cũng gây ra nhiều hệ quả không hay tí nào.
Trên thế gới, tất cả đều lên phương án sống chung với dịch Covid. Và sẽ tất yếu ở Việt Nam cũng sẽ phải như thế.
Có người bình luận vào bài viết trước của tôi là “hả hê khi thấy bệnh viện quá tải…”, nhưng thấy tôi và những người phản biện lại những gì bất cập đang diễn ra mới thực sự là người có tâm với các bệnh nhân và nạn nhân Covid.
Sài Gòn và các tỉnh phía Nam đã có tỷ lệ tử vong vì Covid quá cao, đẩy con số tỷ lệ tử vong của Việt Nam cao ở mức top thế giới. Khả năng ứng phó với Covid của Việt Nam bây giờ xếp top cuối thay cho top 1 trong giai đoạn đầu.
Vì vậy, tôi nghĩ rằng chính quyền các tỉnh cần nhìn vào thực tế đó để làm khác với cách mà Sài gòn và các tỉnh phía Nam đã làm. Tôi không đồng tình với người phụ nữ ở Nghệ An lột quần áo để phản đối việc phải cách ly tập trung (CLTT) nhưng tôi cũng không đồng ý bằng mọi giá chính quyền bắt F1 đi CLTT. Vì làm gì cũng đưa đến mục đích cuối cùng là an toàn cho đối tượng và người xung quanh. Chứ không phải chờ khu CLTT quá tải mới cho cách ly tại nhà.
Bà này có nhà mới, đủ không gian để cách ly, hơn nữa bà này mới là F1, chỉ cần cách ly tại nhà, nhân viên y tế đến theo dõi hàng ngày là được, đồng thời yêu cầu đối tượng tuyệt đối tuân thủ cách ly. Chỉ nên CLTT đối với những trường hợp không đủ điều kiện cách ly tại nhà.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thường căn dặn các cơ quan chức năng là công thức “4-3-3”, nghĩa là để các F0 nhanh khỏi COVID-19 thì 40% nhờ thuốc, 30% dinh dưỡng và 30% tinh thần. Như vậy khi cách ly ở nhà thì yếu tố dinh dưỡng và tinh thần đã chiếm 60% rồi. Đừng biến các đối tượng phơi nhiễm thành nạn nhân và đừng đẩy tiến trình họ thành bệnh nhân nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Đối tượng phơi nhiễm cần được hướng dẫn cách phòng và điều trị chỉ thực sự đến bệnh viện khi trở bệnh nặng.
Một người bạn của tôi vừa khỏi Covid nói cả nhà anh đều bị F0, xung quanh khu phố anh ở quận 7 đều là F0, cho biết tỷ lệ người chết cao ở các khu nhà trọ chật chội và nhà thiếu điều kiện sinh hoạt, ăn uống.
Từ khi SG buộc áp dụng cho cách tại nhà, cho người nhà chăm sóc F0 thì tỷ lệ tỷ vong đã giảm mặc dù F0 tăng lên. Tôi thấy FB của các bác sĩ và nhiều người treo câu “đi 2 về 2, đi 1 về 0”. Tức là F0 nặng ở bệnh viện mà cho người nhà vào chăm thì cả 2 thành F0, nhưng có thể vượt qua nhờ dinh dưỡng, tinh thần, theo dõi khi có trở nặng để gọi bác sỹ…. Một mình F0 nặng thì đi luôn ( tỷ lệ chết là 94,5 % các tuyến cao nhất, ở bệnh viện dã chiến là 100%).
Nếu cứ CLTT, xét nghiệm tập trung, tiêm vaccine tập trung, đi chợ tập trung… thì không chỉ có bệnh viện Nghệ An mà các tỉnh đều sẽ quá tải. Khẩu hiệu 5K đã thuộc lòng, nhưng nhiều người dân vẫn chưa thực hiện đúng. Vì vậy, mỗi người đều phải tuân thủ tuyệt đối để bảo vệ mình trong lúc chờ vaccine.
Tình trạng cướp đồ ăn trong các khu cách ly đã xảy ra…Mô hình đi chợ hộ cũng không thể kéo dài, nhiều tổ trưởng dân phố đã mệt rã rời, nhiều người nói qua dịch sẽ xin nghỉ việc, shipper cũng không an toàn vì nhiều người là F0 và đẩy giá cả lên cao vì phí ship…Chuỗi cung ứng bị đứt gãy ở khâu lưu thông làm cho hạ nguồn và thượng nguồn bị cô lập. Hầu hết doanh nghiệp cũng đang tình trạng thở Oxy dòng cao, thở máy, ECMO, ngáp cá… giống như các bệnh nhân Covid nặng.
Thủ tướng và lãnh đạo nhiều tỉnh đã nhận thấy không thể khống chế triệt để được virus, sẽ tìm cách sống chung với dịch. Có thông tin nói rằng sau 15/9, Sài Gòn sẽ cho thí điểm trạng thái bình thường mới ở Củ Chi và Quận 7…Chắc sẽ nhân rộng ra các quận, huyện khác để trả lời câu hỏi “chẳng lẽ tiêm xong 2 mũi vaccine rồi vẫn ngồi trong nhà ?” Tất nhiên vaccine phải đi cùng 5K. Chánh văn phòng Báo Đầu tư tại TP. HCM tiêm xong 2 mũi, tuân thủ 5K nhưng vẫn bị nhiễm do lây từ vợ. Vợ anh ấy tiêm 1 mũi thì bị nặng hơn anh ấy.
Chúng ta chuẩn bị tinh thần sống chung Covid thôi.
Minh Lý