Suốt từ cuối năm 2019 đến nay, cụm từ đại dịch Covid-19 đã trở thành mối ám ảnh của nhiều quốc gia dân tộc, trong đó có Việt Nam. Đến nỗi ngay cả trẻ em còn trong tuổi tiểu học cũng đã quan tâm tìm hiểu xem Covid-19 là gì? Tại sao chưa chiến thắng được Covid-19?
Cô con gái 8 tuổi rưỡi “bà già” của tôi, luôn có những câu hỏi trên trời dưới đất khiến bao phen cả nhà phải nhăn trán nhíu mày, dạo rày khi thấy Ba Mẹ nói chuyện về Covid, “Bà già” lúc nào cũng chăm chú lắng nghe và hỏi đủ thứ về vấn đề này. Vậy nên, hôm nay Mẹ sẽ kiên nhẫn trả lời hết tất cả những thắc mắc của con, rồi đăng lên đây để ai đang có những câu hỏi như con, cùng hiểu nhé.
Bé: – Mẹ ơi, tại sao lại gọi là Covid-19 hả mẹ?
Mẹ: À, vào ngày 11/2/2020 Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố tên gọi chính thức của bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) là. Covid-19. , “co” là viết tắt của corona, “vi” là để chỉ virus, “d” là viết tắt của chữ “disease” trong tiếng Anh (có nghĩa là “bệnh”), còn “19” là để chỉ năm 2019 – năm người ta lần đầu tiên phát hiện ra dịch bệnh này.
Bé: Dạ, vậy Covid-19 từ đâu mà ra ạ?
Mẹ: Covid-19 là một loại virus gây ra tình trạng nhiễm trùng trong mũi, xoang hoặc cổ họng. Có 7 loại virus Corona, trong đó, 4 loại không nguy hiểm là 229E, NL63, OC43 và HKU1; hai loại khác là MERS-CoV và SARS-CoV nguy hiểm hơn và từng gây ra đại dịch toàn cầu. Covid-19 là một loại virus Corona thuộc chủng mới, từng được ký hiệu 2019-nCoV hoặc nCoV, có thời gian nó còn được nhiều người gọi với cái tên “Virus Vũ Hán” đang “tung hoành” suốt từ cuối năm 2019 đến nay. Đây là tác nhân gây ra bệnh viêm phổi cấp, lây nhiễm khiến hàng triệu người trên thế giới phải tử vong.
Bé: Mẹ nói con biết Covid-19 lây nhiễm ra sao được không?
Mẹ: Hầu hết các loại virus Corona có con đường lây truyền giống như những loại virus gây cảm lạnh khác, đó là: Người bệnh ho và hắt hơi mà không che miệng, dẫn tới phát tán các giọt nước vào không khí, làm lây lan virus sang người khỏe mạnh. Người khỏe mạnh chạm hoặc bắt tay với người có virus Corona khiến virus truyền từ người này sang người khác.Người khỏe mạnh tiếp xúc với một bề mặt hoặc vật thể có dính virus, sau đó đưa tay quẹt lên mũi, mắt hoặc miệng của mình. Trong những trường hợp hiếm hoi, virus Corona có thể lây lan qua tiếp xúc với phân. Ở nhiệt độ cao bên ngoài cơ thể, có ánh nắng, môi trường thông thoáng, virus Corona sẽ yếu đi và giảm khả năng lây bệnh. Nhưng nếu ở nhiệt độ thấp, độ ẩm cao, không thoáng khí, hoặc lạnh thì virus sẽ phát tán và lây lan rất nhanh vì đây là điều kiện thuận lợi cho chúng phát triển.
Bé: Nhưng tại sao Covid-19 lại nguy hiểm hả mẹ?
Mẹ: Giống như các loại virus khác, Covid-19 tiến hành thâm nhập sâu vào bên trong tế bào con người, thuần hóa tế bào thành cỗ máy nhân bản, nhân virus lên gấp nhiều lần. Nếu mục tiêu này hoàn thành, lượng virus này đủ lớn để phá vỡ hệ miễn dịch, khiến cơ thể không đủ đề kháng chống lại và nhiễm bệnh. Đặc biệt Covid-19 nguy hiểm với những người lớn tuổi, trẻ em, những người có hệ miễn dịch yếu hoặc có bệnh lý nền mãn tính như bệnh tim, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, béo phì, đái tháo đường… Những đối tượng này có khả năng lây nhiễm cao, khó điều trị do bệnh lý diễn biến nhanh, nguy hiểm tính mạng. Đặc biệt, Covid-19 cực kỳ nguy hiểm cho phụ nữ có thai. Khi phụ nữ có thai mắc bệnh sẽ để lại những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Các dấu hiệu/biểu hiện nguy hiểm bao gồm sốt cao, đau đầu, ho, khó thở và thường tiến triển thành viêm phổi. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân còn bị suy yếu nội tạng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Thời gian ủ bệnh thường là từ 2-10 ngày.
Bé: Eo ôi ghê quá. Nhưng bây giờ phải làm sao để chiến thắng Covid-19 hả mẹ?
Mẹ: Trên toàn thế giới và cả Việt Nam ta đang làm rất nhiều biện pháp để tìm cách ngăn chặn, đẩy lùi, rồi từng bước vượt qua đại dịch đó con.
Bé: Con thấy trên tivi nói sẽ có chú bộ đội đến phát lương thực tại nhà cho mình, sao con không thấy hay là người được người không hả mẹ? Con nghe nói gì mà cả hệ thống chính trị, rồi ở thành phố mình có 312 phường xã là pháo đài chống dịch, mỗi người dân là một chiến sĩ, còn có rất nhiều các chú bộ đội, các chú công an đi ngoài đường suốt ngày mà sao vẫn không bắt được con Covid…khó hiểu quá mẹ.
Mẹ: Ừ mọi người vất vả lắm, nhất là đội ngũ y bác sĩ, họ phải làm việc rất nhiều để tìm ra người bị nhiễm bệnh, còn gọi là F0, rồi hướng dẫn và điều trị bệnh cho họ, giành giật từng sinh mạng để vượt qua căn bệnh quái ác này đó con.
Bé: Dạ, con có thấy hình ảnh mấy người bác sĩ làm việc mệt quá nằm gục luôn trên ghế. Nhưng con vẫn thấy sao sao ấy. Càng ngày bệnh càng lây nhiều quá. Trước đây nói giãn cách một thời gian, mà sao rồi lại giãn cách nữa, giãn cách hoài, đến bao giờ mới hết giãn cách? Nếu mẹ là người có quyền được sắp xếp công việc chống dịch thì mẹ sẽ làm sao?
Mẹ: Khuya rồi, con ngủ đi. Nói chuyện ấy dài dòng lắm. Con chẳng thấy các nhà chức trách người ta họp suốt bàn suốt đó, ra hết văn bản chỉ đạo này đến văn bản chỉ đạo khác đó thấy không? Nói đến sáng luôn á cục cưng.
Bé: Dạ, mẹ nói đến sáng cũng được. Mẹ nói đi con nghe rồi con mới ngủ.
Mẹ: Um cũng được, chiều con vậy. Nhưng mẹ nói con nghe một lần thôi và không được ngắt lời mẹ. Nghe xong phải ngủ liền nha.
Bé: Dạ, con cảm ơn mẹ nhiều, yêu mẹ. (Vừa nói, cô con gái “bà già” vừa vòng tay ôm hôn mẹ).
Mẹ: Um mẹ nói đại nhé. Nếu mẹ là người có quyền được sắp xếp thì mẹ sẽ làm thế này, mẹ làm theo cách mẹ nghĩ thôi vì mẹ không được học nhiều như người khác. Con biết không, đất nước ta có tất cả 63 tỉnh thành, có đặc điểm về địa lý, phân bổ dân cư nhiều ít khác nhau, đặc điểm hoạt động sản xuất kinh doanh vùng miền cũng khác nhau. Cho nên mẹ sẽ không áp dụng 1 chỉ thị chung cho tất cả mọi vùng miền, mà mẹ làm như sau:
Đầu tiên, mẹ sẽ phân ra 4 loại vùng để áp dụng chống dịch theo dân số gồm: Một là Vùng có dân số dưới 1 triệu người; Hai là Vùng có dân số từ trên 1 triệu người đến 3 triệu người; Ba là Vùng có dân số từ trên 3 triệu người; Bốn là 2 đô thị đặc biệt gồm TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Thứ hai, mẹ sẽ xác định rằng công việc chống dịch là lâu dài, dịch chỉ chấm dứt khi nào nhân loại tìm được thuốc đặc trị. Nên mẹ tuyệt đối không áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo mô hình “đóng băng” để không làm đứt gãy hoạt động của xã hội, không làm triệt tiêu thu nhập cá nhân của người dân. Không phải tốn tiền trả lương thất nghiệp hàng loạt. Mẹ chỉ áp dụng giãn cách tối đa không tụ tập quá 3 người và mua bán mang về là giới hạn cuối cùng.
Thứ ba, hệ thống y tế phải phối hợp với cơ quan truyền thông, xây dựng kênh tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho người dân hiểu tường tận về dịch bệnh, nguyên nhân gây bệnh, phương thức lây lan, diễn biến của bệnh, cách thức phòng tránh, phương pháp điều trị để người dân hiểu biết, nâng cao ý thức phòng bệnh và có kiến thức để điều trị bệnh khi mắc phải.
Thứ tư, không tập trung người nhiễm bệnh F0 vào bệnh viện ngay, không cần xây dựng thêm bệnh viện dã chiến ở bất cứ tỉnh/ thành nào, vì làm như vậy là tốn kém tiền cho ngân sách nhà nước, lãng phí tiền thuế của người dân và doanh nghiệp. Lấy ví dụ như ở thành phố Hồ Chí Minh mẹ sẽ triển khai 312 phường xã thành 312 đơn vị y tế cơ sở theo dõi, phát hiện các trường hợp F0. Khi có F0 ngay lập tức người đó phải ở trong nhà, căn nhà đó phải được phong tỏa để mọi người trong nhà không ra ngoài, họ cùng chăm sóc cho nhau đến khi khỏi bệnh hoàn toàn, sau khi mọi người đều đã được test PCR đầy đủ. Mỗi trạm y tế phường xã là một đầu mối cực kỳ quan trọng để chống dịch. Mỗi căn nhà là một nơi điều trị bệnh nhân. Các trạm y tế đều được tăng cường 1 bác sĩ chuyên khoa hô hấp và một số y bác sĩ khác hỗ trợ. Hàng ngày, các y bác sĩ sẽ nắm tình hình bệnh nhân, thăm khám, cho thuốc uống và hướng dẫn biện pháp chống dịch để người bệnh an tâm điều trị ngay tại gia đình họ. Thiếu nhân lực thì các bệnh viện tuyến trên sẽ bổ sung nguồn. Chỉ khi bệnh trở nặng phải thở oxy hoặc can thiệp chuyên khoa khác thì mới đưa người bệnh vô bệnh viện. Các tỉnh/ thành khác cũng thực hiện tương tự như vậy. Nếu cảm thấy còn lúng túng, chưa rõ hiệu quả thì có thể chọn 1 quận/huyện làm thí điểm cách này trong 14 ngày để rút kinh nghiệm. Sau đó, triển khai rộng toàn địa bàn tỉnh/thành.
Thứ năm, kể từ khi người bệnh được xác định là F0 và địa phương phong tỏa căn nhà của họ để chống dịch, thì 2 ngày 1 lần chủ tịch phường/ xã nơi đó sẽ phân công lực lượng hỗ trợ cung cấp lương thực thực phẩm cho gia đình bị phong tỏa. Nguồn kinh phí lúc này lấy từ ngân sách địa phương, nếu không có nguồn tài trợ.
Thứ sáu, hàng hóa được lưu thông bình thường. Ba ngày một lần, tất cả các tài xế và người tham gia vận chuyển giao hàng hóa đều phải test để xác định âm tính. Trong trường hợp dịch bùng phát quá nhanh và khả năng lây lan giữa các tỉnh/ thành rất cao thì có thể tạm dừng các đơn vị vận tải hàng hóa dân sự tối đa trong 14 ngày. Thay vào đó, lực lượng hậu cần quân đội sẽ được bố trí vận chuyển hàng hóa thiết yếu vào các khu vực đỉnh dịch để giao cho các đơn vị thương mại quốc doanh tổ chức xe bán hàng lưu động vào các khu dân cư, trong trường hợp buộc phải đóng cửa các khu chợ truyền thống. Tuy nhiên, cũng không quá 14 ngày phải tổ chức cho tiểu thương buôn bán hàng lương thực thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu được bán hàng ngoài đường phố thoáng đãng, đảm bảo giữ khoảng cách an toàn. Như vậy, sẽ tránh được việc khan hiếm hàng hóa cục bộ và người sản xuất nông nghiệp, hoạt động đánh bắt nuôi trồng thủy hải sản, cũng như các ngành công nghiệp hàng tiêu dùng khác không bị ảnh hưởng do đứt gãy quá trình lưu thông sản phẩm hàng hóa.
Thứ bảy, để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm và tạo miễn dịch cộng đồng thì việc test để tìm F0 và tiêm vaccin là rất cần thiết. Khi thực hiện phải có trọng tâm trọng điểm, có ưu tiên khu vực quan trọng. Nhưng test đến đâu xong thì tiêm luôn vaccin tới đó để khoanh vùng và tạo miễn dịch cộng đồng bảo vệ người dân.
Thứ tám, phải tích cực sắp xếp giãn dân ra khỏi vùng đông dân có dịch bùng phát, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm và giảm gánh nặng cho chính quyền sở tại phải chịu áp lực đối phó quá lớn; trong khi hệ thống y tế các tỉnh/ thành đều được bố trí với một cơ cấu gần như nhau, chỉ khác chăng là số lượng bệnh viện và đội ngũ y bác sĩ. Nếu thiếu nhân lực thì giao trách nhiệm cho Cục quân y Bộ quốc phòng bổ sung lực lượng để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ khám và điều trị bênh cho nhân dân.
Thứ chín,…ôi con gái ngủ mất tiêu rồi.
Thôi thì câu chuyện của mẹ cũng là bài ru ngủ hiệu quả, giúp được cô con gái nhiều chuyện đi vào giấc ngủ thật nhẹ nhàng. Chúc con gái yêu ngủ ngon và chúc mọi người cùng nhau vượt qua khó khăn, chiến thắng đại dịch Covid-19 trong năm nay nhé!
LNT
Xem thêm: