Tôi khóc, tôi khóc trước sự bất lực của bản thân, tôi khóc xin con virut corona kia hãy buông tha cho con người. Tôi ước mình có một phép thuật để trả lại cuộc sống bình yên cho thế giới này. Tôi ước đất nước mình giàu có như nước Mỹ xa xôi kia, để mỗi người dân chúng tôi được hưởng 600USD 1 tuần như họ, mà không, chỉ cần 6 triệu một tháng thôi, thì có lẽ đồng bào tôi sẽ an tâm ở yên trong nhà chống dịch mà không phải bất chấp hiểm nguy chạy hàng ngàn cây số để hồi hương như vậy…
Dòng người bất chấp hiểm nguy chạy hàng ngàn cây số để hồi hướng tránh đại dịch
Tháng 5, đứa em họ của tôi, đi làm bữa được bữa mất do công ty giãn cách không được tập trung quá 20 người, gặp em, tôi nói:
– Nếu công việc không ổn, em về quê đi cho đỡ, chứ Saigon tình hình dịch vậy, nghe cũng căng đó em
Em nhìn ra xa xăm rồi nói:
– Dừ mà về, lại gây tốn kém cho quê hương, quê em đã nghèo sẵn rồi, mình chưa giúp được gì, giờ về lỡ mà mình vô tình bị chi, lại khổ bà con ở quê chị ạ.
Tôi hiểu nội xót xa khi nhìn vào ánh mắt của em. Em sinh ra và lớn lên trên mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Mùa đông thì rét cắt da cắt thịt, mùa hè hứng trọn gió lào bỏng rát hanh khô. Em chân chất mộc mạc hiền lành, tôi quý em cũng bởi sự đó.
Tôi nói với em rằng, đừng nghĩ mình chưa làm được gì cho quê hương. Bởi việc em thoát ly để giảm gánh nặng thất nghiệp cũng đã góp phần cho quê hương bớt nghèo, việc hàng tháng em gởi tiền về phụ giúp cha mẹ mình, cũng là một cách giúp đỡ quê hương, rồi hàng tháng gởi tiền đóng học phí cho hai đứa em, đã là góp phần nâng cao tri thức, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn rồi.
Ngày hôm qua, tôi nhận được tin em đã chạy xe máy từ Sài Gòn về quê. Tôi bàng hoàng. 1500km mà, đâu phải chỉ một hai trăm cây số đâu. Chặng đường quá xa, quá nguy hiểm và cũng khá tốn kém. Tôi tức tốc gọi điện thoại cho em :
– Em quyết định về thật sao ? tôi nói vội.
– Dạ, Em về thôi chị ạ. 2 tháng ăn nằm trong căn phòng 9 mét vuông, nóng nực em chịu được, nhưng tiền nhà, tiền ăn uống em cạn kiệt rồi.
– Chị tưởng tình hình dịch căng vậy, chủ nhà sẽ thông cảm miễn 100% tiền thuê cho tụi em do đại dịch chứ.
– Dạ không chị, họ chỉ giảm một nửa thôi. Mà một nửa dừ em cũng không có khả năng trả. Rồi tiền điện tiền nước…thôi em về bám đít quê hương cho chắc chị, hihi
Em cười mà lòng tôi mặn chát. Em đã cố gắng bám trụ lại, em đã hy vọng dịch được đẩy lùi để em đi làm lấy tiền giúp đỡ cha mẹ, để đầu năm học mới sắp tới hai đứa em có tiền mua sắm sách vở, để em giành dụm chút đỉnh tết này mua lễ vật trầu cau qua nhà người yêu dạm ngõ….
– Em chạy tới đâu rồi? Ổn không em ?
– Em về được nửa chặng đường rồi chị ạ. Thanh niên mà chị, khó khổ một tí có sao đâu, em mệt một tí những vẫn chịu được, chị yên tâm nha….
Nghe em nói, tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. Tôi thương em, em là hiện thân của hàng ngàn bà con đang rời Miền Nam chạy trốn con covid đầy căm phận kia, hàng vạn người dân từ Sài Gòn và các vùng lân cận đang buộc mình phải tháo chạy về quê trú ẩn, khi mà bát cơm manh áo đang đe dọa tính mạng của gia đình họ, dẫu biết rằng chạy quãng đường dài hàng nghìn cây số là hiểm nguy gian khổ, thậm chí có thể đánh đổi cả mạng sống của mình, họ biết lắm chứ, nhưng họ còn con đường nào khác nữa đâu ? Họ đã cố gắng hết sức trong mấy tháng qua rồi….. Tôi bất lực, tôi biết làm gì bây giờ, bởi ngay cả chính bản thân tôi đây còn không biết mình sẽ như thế nào giữa đại dịch này.? Tổi chỉ biết chúc em thượng lộ bình an, đi đến nơi về đến chốn.
Có lẽ em về cũng hợp lý, bởi ở giữa Sài gòn này, em không người thân, lỡ làng em có bị gì, thì biết kêu cứu vào ai, khi mà ngày ngày tiếng còi hụ của xe cứu thương cứ vang lên dồn dập, khi mà số ca dương tính ngày một tăng cao và khi mà nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa chật cứng xe cứu thương chở quan tài….
Hàng ngàn câu hỏi hiện ra trong đầu tôi: Chạy xe máy đi hàng ngàn cây số vậy, mệt nhọc lỡ làng lạc tay lái gây tai nạn, thì ai đền cho họ sinh mạng đây? Trời cao ơi, Ông có thấu! Tại sao các cơ quan chức năng không sắp xếp để đưa các em về,? xe buýt, máy bay, tàu hỏa của chúng ta vẫn để không đó mà? Xe ô tô của lực lượng quân đội đâu, lúc này tại sao không thấy? Chặng đường dài nếu có mỏi mệt cần đi vệ sinh, tắm rửa thì có được người dân hai bên đường giúp đỡ không ? khi mà mọi người nghe thấy người Sài Gòn là sợ lây dịch, là tránh xa…. Nắng còn đỡ, mưa sẽ ra sao khi chặng đường dài lấy đất làm chiếu – trời làm màn. Đau xót lắm thay.
Lấy đất làm chiếu – Trời làm màn
Tôi xem những hình ảnh bà con nằm lăn lóc bên vệ đường để ngủ nghỉ mà lồng ngực nghẹn ứ. Họ – những đồng bào của tôi – đã phải trải áo mưa lót xuống cỏ cho con nhỏ nằm ngủ, vợ chồng thay phiên nhau thức trông coi xe cộ. Hình ảnh những em bé với khuôn mặt phờ phạc đôi mất thất thần, chắc chúng cũng không hiểu tại sao mình phải ngồi sau lưng của cha, rồi phía sau lưng nó là mẹ đang ôm em với lỉnh kỉnh bao nhiêu đồ đạc chồng chéo, chạy ngày chạy đêm như vậy. Hình ảnh bà mẹ bồng đứa con mới sinh được 10 ngày tuổi đang đỏ hỏn trong tã leo lên xe hon đa của chồng để hồi hương khiến ai nhìn thấy cũng nức nở, xót xa. Những người đàn ông với đôi mắt đỏ quặm đục ngầu hằn lên từng tia máu mệt mỏi bởi đường dài gió bụi, phải gồng mình lên lái xe trong nhọc nhằn của hy vọng Có lẽ với họ, trở về là an toàn, là cơ hội sống giữa đại dịch này
Sao mình đi lâu thế mà chưa về đến nhà hở cha
Tôi khóc, tôi khóc trước sự bất lực của bản thân, tôi khóc xin con virut kia hãy buông tha cho con người. Tôi ước mình có một phép thuật để trả lại cuộc sống bình yên cho thế giới này. Tôi ước đất nước mình giàu có như nước Mỹ xa xôi kia, để mỗi người dân chúng tôi được hưởng 600USD 1 tuần như họ, mà không, chỉ cần 6 triệu một tháng thôi, thì có lẽ đồng bào tôi sẽ an tâm ở yên trong nhà mà không phải bất chấp hiểm nguy chạy hàng ngàn cây số để hồi hương giữa đại dịch như vậy…
Tôi biết, hiện tại ở các tỉnh dịch đã tràn về, các địa phương cũng gấp rút chuẩn bị phương án chiến đấu với dịch, sức người sức của ở địa phương đều hạn chế, việc người Sài Gòn trở về lúc này lại thêm gánh nặng cho quê hương… nhưng khi cùng đường, quê hương vẫn là nơi chúng ta nhớ tới và trở về với bao tình sâu nghĩa nặng, vẫn là cái nôi khi ta cất tiếng khóc chào đời và bây giờ, ngay lúc này đây, vẫn là cái nôi ấy đang giang rộng vòng tay ra để che chở đùm bọc ta.
Có lẽ, đó cũng là lý do mà những ai đi xa, đều luôn khắc khoải hai tiếng “quê hương”.
Adorasam.com