Có thực mới vực được đạo, há chẳng phải câu nói các cụ ngàn đời răn dạy hay sao! Chính phủ nên có cái nhìn tường tận hơn để hiểu đời sống người dân, biết dân cần gì và mong muốn ra sao, đúng với tinh thần lấy dân làm gốc, phải do dân vì dân. Chúng ta dập dịch, nhưng phải đảm bảo nhu cầu sinh tồn của người dân; Việc hàng hóa lưu thông hạn chế, ách tắc cục bộ để bao kẻ lợi dụng tăng vọt giá cả diễn ra cảnh ế đồng đắt chợ là điều vô cùng tai hại tại thời điểm nhạy cảm này.
Sài Gòn đang mùa mưa, gió phần phật mang theo hơi lạnh khiến người phụ nữ đi trên chiếc xe wave chạy chậm lại, chị ngó nghiêng như đang tìm kiếm gì đó, tôi nhắc chị nếu không có việc gì quan trọng thì nên ở nhà, kẻo lại bị phạt. Chị giương đôi mắt sâu hoắm vằn đỏ nhìn tôi đầy giận dữ:
– Việc ra sao mới quan trọng ? mạng người có quan trọng không?
Tôi chùng người lại nhìn về phía trước để tránh đôi mắt ướt buồn thâm quầng ấy, tôi không đủ can đảm nhìn chị lâu hơn để biết đó là nước mắt hay nước mưa. Câu hỏi của chị cứa vào lòng tôi đau nhói…
Chị vẫn thường được mọi người gọi là người mẹ vĩ đại khi từ bỏ đi tất cả đề giành quyền nuôi hai đứa con thơ, mọi thứ đã dần ổn định thì cơn đại dịch ập tới, khiến mẹ con chị chông chênh như ngọn đèn trước gió.
-“Mẹ ơi, bao giờ hết dịch”, “Mẹ ơi, con đói “, “Mẹ ơi, sao mẹ nói ở yên trong nhà sẽ hết dịch, mà con ở nhà lâu rồi sao dịch không hết mẹ, mẹ nói dối con phải không ?”… Nhưng câu nói hồn nhiên của trẻ thơ làm tim chị nghẹn ứ, chị biết trả lời chúng thế nào đây. Chị trở thành người mẹ nói dối trong mắt các con.
Khi Chỉ thị 16 ban ra, chị gom góp nhặt nhạnh tích trữ đồ ăn, đủ cho ba mẹ con an tâm sống yên ổn trong 2 tuần, Chị nghĩ so với nhiều người, chị sướng gấp bội. Chị nhanh tay mua và chất đầy một tủ lạnh đủ cả thịt, cá, rau củ… nhẩm tính số tiền còn lại cũng đủ để đóng tiền nhà cho tháng sau. Chị an tâm đóng cửa ở yên trong nhà với niềm tin Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid.
Chỉ Thị 16+ thêm 2 tuần nữa, chị bắt đầu hồi hộp lo lắng, nhưng vẫn động viên bản thân cố gắng gồng mình vượt qua. Cũng may, chủ nhà cho nợ tiền trọ nên mẹ con chị rau cháo lay lắt qua ngày. Hành động của chị chủ nhà hiểu chuyện, biết cảm thông chia sẻ, khiến chị cảm thấy còn một chút an ủi, ấm lòng giữa đại dịch.
Nhưng giờ thì, tiếp tục giãn cách xã hội theo chỉ thị 16+ thêm 1 tháng nữa đến ngày 15/9, chị bắt đầu hoảng sợ. Chị khóc, bởi chị biết không ai thương mình bằng chính mình. Trong đầu chị chỉ nghĩ cách làm sao để các con có cái ăn, còn lại mọi thứ khác đối với chị lúc này không còn quan trọng nữa .
Chị biết kêu gào đến ai bây giờ, khi mà xung quanh ai cũng khó khăn chồng chéo. Chị ước mình giàu có, tiền bạc dư dả, thì chị bất chấp, dịch cả năm cũng không ảnh hưởng chi đến mẹ con chị. Đêm đêm, khi 2 đứa con ngủ, cái đói ùa về kêu réo trong bụng đến xót ruột, chị ráng gồng mình chịu đựng để nhường cái no cho con, nhưng gồng được đến bao giờ, khi sức người có hạn; chỉ vài ngày nữa thôi chị không biết lấy gì để ăn, để uống? chưa nói ngộ nhỡ các con hoặc chị bỗng dưng đổ bệnh thì thế nào đây?… Chị không dám nghĩ tiếp nữa !
Chị nói dối rồi khóa cửa, để 2 đứa con trong nhà, chị xiêu vẹo quăng mình ra đường. Không có việc quan trọng thì không được ra đường, chị biết lắm chứ, chị có ngu đâu; “Tôi không thể trụ hơn được nữa, con tôi cần đồ ăn? Các người có tiền để đi mua cái này cái kia, còn tôi không có tiền thì cạp đất để sống hả ? chú trả lời tôi đi…mà đất tôi cũng không có để cạp nữa…“. Chị xoáy sâu vào tâm can tôi bằng tiếng khóc nức nở đứt quãng của mình.
Đọc báo, chị thấy nói nhiều nơi được tiếp tế trợ cấp gạo, rau, mì từ các nhóm từ thiện giữa mùa dịch, chị mừng rỡ vội lao ra khỏi nhà với hy vọng những tin tức đó có thật, và chị sẽ may mắn kiếm được thứ gì đó mang về cứu đói mẹ con chị dăm bảy ngày. Đói khổ chị chịu đựng được, nhưng nhìn hai đứa con đói khát, bản năng của một người làm mẹ trong chị không thể chịu đựng nổi, chị đành phải bất chấp mọi hiểm nguy và rủi ro để lao đi như thế.
Chia tay, bóng chị nhỏ dần trên đoạn đường dài vắng lặng, tôi xót xa nghĩ tới những ngày dài phía trước của mẹ con chị. Phải, ở nhà là yêu nước, là góp phần đẩy lùi dịch bệnh, nhưng ở nhà mà cái đói hoành hành, con thơ nheo nhóc, thì họ phải hành động theo bản năng sinh tồn, đó là lẽ đương nhiên.
Đường phố vắng lặng
Chị không phải là người duy nhất rơi cảnh túng bần giữa cơn đại dịch này, ngoài kia còn hàng trăm phận đời éo le như chị hoặc hơn, họ buộc phải đi ra ngoài để kiếm cắn gì đó, mặc cho bao người trách không có ý thức, mặc cho bao người không quen biết vẫn cay nghiệt chưởi rủa, họ vẫn phải vì sự sống còn của bản thân và gia đình mà lao đi nếu có thể. Vậy nên trước khi chúng ta trách móc người khác, xin hãy đặt mình vào vị trí của họ để cảm thông chia sẻ sau đó hãy buông lời.
Nỗi đau này ai thấu, dẫu biết trong cơn hoạn nạn này, nhà nước cũng đang gồng mình chiến đấu không ngưng nghỉ, tuyến nào cũng mệt nhọc rã rời vì covid, nhưng há phải chúng ta đang làm tất cả do dân, vì dân sao? Vậy tại sao vẫn không đảm bảo được đời sống cho người dân? Khi ra các quyết định về chống dịch, đã lường trước đến tình huống này chưa? Phải chăng mọi người quá chăm chú tập trung, quan tâm tìm hiểu nguyên nhân số ca nhiễm bệnh chưa giảm như mong muốn; mà lại quên tìm hiểu sâu cho một vế đối diện là con số về người lao động nghèo đói đang ngày một tăng lên bao nhiêu? Cụ thể thì chưa nắm được chính xác, nhưng có thể đoán biết rằng con số ấy sẽ tăng tỷ lệ thuận theo thời gian phải chịu giãn cách.
Nếu đã xác định “chống dịch như chống giặc” vậy thì phải xác định luôn có bao nhiêu “giặc” trong lúc này. Rõ ràng chúng ta đang phải đối đầu với 2 loại giặc. Loại thứ nhất là giặc vô hình, nhưng chúng ta đã thấy rồi chính là covid-19 và các biến thể, thậm chí còn phân tích được cả bộ gien của nó. Còn loại “giặc” thứ hai là giặc hữu hình, chính là giặc đói, nhưng liệu chúng ta đã thấy được hết chưa? Ở cấp Phường/xã chỉ cần 1 tuần là đã thống kê đầy đủ danh sách cử tri để phục vụ cho công tác bầu cử. Thế nhưng, từ suốt đầu dịch cho đến nay liệu từng phường/xã có thống kê được bao nhiêu người dân lao động đang bị đói khổ vì mất việc làm, mất thu nhập, không có khoản nào để trả tiền thuê nhà và đang cần sự giúp đỡ, cứu trợ hay chưa?
Đã có rất nhiều cá nhân, nhiều đoàn thiện nguyện tự bỏ tiền, tự tổ chức quyên góp lương thực thực phẩm chia xẻ gạo, rau, trái cây, thuốc men ủng hộ người nghèo, người trong khu cách ly, công nhân … nhưng xem ra số lượng chỉ như muối bỏ biển
Khi ban hành văn bản yêu cầu người dân “không đi ra đường khi không có việc cần thiết”, “ai ở đâu ở yên đó”, nhưng làm được điều này thì không đơn giản chút nào vì lúc này phần lớn dân lao động đã quá nhiều người rơi vào túng thiếu do dịch bệnh kéo dài. Tiền nhân đã từng nói “đói thì đầu gối phải bò” vậy liệu khi đang đói có ở yên được trong nhà không?
Dập dịch là đúng đắn, không còn lựa chọn nào khác. Nhưng cách làm thế nào để khống chế được dịch mà nhân dân vẫn không đói khổ, hàng hóa thiết yếu vẫn không khan hiếm hay leo thang, vẫn được luân phiên ra ngoài để giải quyết việc cần thiết. Đó mới là phương án khoa học, còn việc vận dụng quá nhiều vào mệnh lệnh hành chính thì chưa hẳn đã là phương án thập toàn thập mỹ.
Chúng ta biết rõ nhu cầu người dân cần ăn, cần uống, cần được chăm sóc sức khỏe để sống? Tuy nhiên, lúc này một bộ phận người dân lao động đang rơi vào vòng luẩn quẩn: tiến cũng không được, lùi cũng không xong. Ở lại thì đói, hồi hương thì bị cấm cản,… vậy dân ta biết làm sao đây?
Chúng ta luôn khuyên mọi người đừng hoang mang trước covid, họ đã tin tưởng, nhưng lúc này, họ đang hoang mang trước cái đói, thì khuyên họ thế nào đây ? 1,5tr hỗ trợ có kịp đến khi họ cần không ? Một người bạn của tôi nói rằng đã gọi đường dây nóng rất nhiều lần nhưng lúc nào cũng bận, kể cả 2h sáng, liên hệ với tổ trưởng khu phố thì được trả lời “không phải cư dân của khu phố vì không đăng ký tạm trú….”,? Việc họ có chạm phải covid đáng sợ hay không chưa biết, nhưng cái đói đang hiển hiện trước mắt nhìn thấy hàng ngày đáng sợ hơn rất nhiều.
Trong cơn đại dịch này, ai cũng có nhu cầu sinh tồn như nhau, tại sao không làm đồng loạt để tất cả người dân đều nhận được sự hỗ trợ từ Chính phủ, để tránh việc người nhận được người không. Song song với kế hoạch này, chúng ta tuyên truyền để khuyến khích mọi người ai đó nếu thấy rằng tự lo cho mình được, họ sẽ không nhận hỗ trợ hoặc nhường sự hỗ trợ cho người khó khăn hơn, há chẳng phải được lòng muôn dân ?
Có thực chỉ 01 tháng giãn cách theo chỉ thị 16+ nữa sẽ kiểm soát và chiến thắng dịch hay không, hay chỉ là phỏng đoán và hy vọng? Liệu chúng ta có quá duy ý chí để khẳng định điều này? Bởi vì, ngay trong tháng 4/2021 nhiều địa phương trong cả nước đã mở đường cho hàng loạt hoạt động kích cầu du lịch kéo dài đến ngày 2/5/2021 cũng vì nghĩ rằng đã kiểm soát tốt dịch covid-19. Cho nên, việc chống dịch phải cẩn trọng và an toàn, phải tính toán chắc chắn từng bước ổn định, xác định dịch có thể diễn ra dai dẳng vì các biến thể của nó. Qua đó, chuẩn bị tâm thế “sống chung với lũ” để xác định tư tưởng đối phó phù hợp với tình huống dài lâu hơn 1 tháng.
Có thực mới vực được đạo, há chẳng phải câu nói các cụ ngàn đời răn dạy chúng ta sao! Chính phủ nên có cái nhìn tường tận hơn để hiểu đời sống người dân, biết dân cần gì và mong muốn ra sao, đúng với tinh thần lấy dân làm gốc, phải do dân vì dân. Chúng ta dập dịch, nhưng phải đảm bảo nhu cầu sinh tồn của người dân; Việc hàng hóa lưu thông hạn chế, ách tắc cục bộ để bao kẻ lợi dụng tăng vọt giá cả diễn ra cảnh ế đồng đắt chợ là điều vô cùng tai hại tại thời điểm nhạy cảm này.
Đừng giành tất cả các bệnh viện cùng y bác sỹ chỉ để phục vụ bệnh nhân covid mà từ chối những loại bệnh khác, như vậy sẽ thiếu công bằng. Nên chăng, hãy huấn luyện để các F0 biết tự cách ly tại nhà, có sự hỗ trợ của thân nhân là thuận tiện và giao cho các bệnh viện Quận chủ trì phối hợp với Y tế Phường theo dõi các F0 cho đến khi cơ thể đủ đề kháng tiêu diệt covid-19. Chỉ nhập viện những F0 có bệnh nền hoặc chuyển biến nặng.
Sài Gòn vẫn đang tiếp tục một mùa mưa không hề mát mẻ. Bởi vì muôn vạn người dân ai cũng nôn nóng, khắc khoải mong chờ tới ngày dịch được kiểm soát, bỏ giãn cách, để cho cuộc sống được trở lại bình yên./.
LNT
Xem thêm: