Cả đất nước nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng đang ở trong giai đoạn quyết liệt nhất để ngăn chặn, trước khi đẩy lùi đại dịch Covid-19. Tùy vào đặc điểm tình hình của từng địa phương mà các cấp chính quyền nơi đó ban hành những mệnh lệnh hành chính để đội ngũ cán bộ công chức, đội ngũ y tế, các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ… theo đó mà thực thi nhiệm vụ. Tất cả những mệnh lệnh hành chính đó, có lẽ đều được đưa ra bàn bạc thảo luận kỹ lưỡng trước khi được ban hành thành một văn bản quy phạm pháp luật.
Nhìn vào hệ thống văn bản từ Trung ương đến địa phương, chúng ta đều cảm thấy công tác chống dịch rất hoàn hảo. Tuy nhiên, hình như công việc kiểm soát dịch bệnh vẫn chưa được như mong muốn. Tại sao lại như vậy? Vấn đề còn nằm ở chỗ nào đây?
Phải chăng Lòng tin, sự Lo lắng có liên quan đến tính Hợp lý của mệnh lệnh
Nhân dân tin tưởng vào chính quyền nhất là khi thực hiện đúng phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Vậy thì thử xem suốt thời gian bùng phát dịch lần thứ 4 đầy căng thẳng này trước khi ban hành một văn bản các cấp chính quyền đã tham khảo tốt ý kiến cử tri địa phương chưa, hay chỉ tập trung lấy ý kiến trong hệ thống quản lý nhà nước rồi ban hành văn bản? Có một cảm nhận là hầu như chỉ trong vòng 48 giờ đồng hồ thì một chỉ đạo mới nào đó được ban hành, yêu cầu người dân phải thực hiện. Kết quả là nhiều người dân, doanh nghiệp không tài nào trở tay kịp. Điều đó đồng nghĩ với việc người dân dễ bị vi phạm (ở đây chúng ta loại trừ một số đối tượng cố tình vi phạm). Cụ thể mới đây nhất, tại thành phố Cần Thơ chính quyền yêu cầu các đơn vị và cá nhân vận chuyển hàng hóa phải tuân thủ 1 quy định về đăng ký trước tóm tắt theo báo Tuổi Trẻ như thế này:
Ngày 21-8, ông Nguyễn Ngọc Hè – phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ – đã ký công văn về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo hoạt động vận chuyển, lưu thông và phân phối hàng hóa.
Theo công văn gửi các sở ngành liên quan và các doanh nghiệp, cá nhân vận tải hàng hóa, dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
TP đã chủ động áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo và hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương về công tác phòng, chống dịch và tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa.
Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng hóa và công tác phòng, chống dịch thực hiện chưa được nghiêm túc; số người và phương tiện vận tải còn di chuyển quá nhiều, nguy cơ lây lan dịch bệnh quá cao.
Mục tiêu “hạn chế thấp nhất phương tiện vào trung tâm đô thị để phòng, chống dịch bệnh” không đạt được. Do đó, chủ tịch UBND TP yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm công văn 3032 về việc phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm hoạt động vận chuyển lưu thông, phân phối hàng hóa.
Tất cả các xe chuyển hàng hóa tiêu dùng, xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh… từ các địa phương tỉnh, thành khác đến TP Cần Thơ để giao nhận hàng hóa đều phải đăng ký trước. Nếu không đăng ký trước, lực lượng làm nhiệm vụ sẽ không cho xe vào TP.
Nơi đăng ký do Sở Giao thông vận tải TP thông báo, nội dung đăng ký gồm: nơi đi (nơi giao hàng hóa), nơi đến (nơi nhận hàng hóa), dự kiến thời gian đến TP, tên tài xế, biển số xe…
Tất cả xe đến TP Cần Thơ giao nhận hàng hóa đều phải tập trung giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển và giao nhận hàng hóa do TP quy định, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch COVID-19.
Trường hợp hàng hóa siêu trường, siêu trọng, hàng nguyên đai, nguyên kiện, không thể giao nhận tại các điểm tập kết, trung chuyển, cần phải đến trực tiếp tại kho bãi của nơi nhận thì có thể đổi tài xế cư trú tại TP Cần Thơ.
Tài xế và người đi cùng khi giao nhận hàng hóa xong phải rời khỏi TP ngay.
Văn bản ban hành ngày 21/8 và yêu cầu phải chấp hành từ 23/8 với một loạt diễn biến phải thực hiện để triền khai theo yêu cầu đó. Thử hỏi, chưa đầy 48h đồng hồ, ngay cả người dân Cần Thơ còn thực hiện không kịp huống chi người từ các tỉnh thành khác.
Tương tự như vậy, tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có một quy định điều chỉnh:
Ngày 24-8, Công an TP đã có thông báo hướng dẫn thực hiện kiểm soát người được phép lưu thông trên đường theo các công văn 2796, 2800 và 2850 của UBND TP.HCM.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về nội dung này, thượng tá Nguyễn Đình Dương – trưởng Phòng cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt (PC08) Công an TP.HCM – cho biết trước 0h ngày 25-8, tất cả người trong 17 nhóm tại công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 của UBND TP được phép di chuyển phải có giấy đi đường mẫu mới do Phòng PC08 hoặc công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn cấp.
Phòng có nhiệm vụ cung cấp giấy đi đường (mẫu mới) kèm chữ ký và đóng dấu cho các sở, ngành rồi điền vào theo thông tin trong mẫu và thực hiện. Sở, ngành sẽ căn cứ vào các nhóm được di chuyển tại công văn 2800, 2796, 2850, sau đó tổng hợp số lượng, gửi danh sách đến Phòng PC08.
“Sau 0h ngày 25-8, không sử dụng mẫu giấy đi đường tại công văn 2800 nữa mà Phòng Cảnh sát giao thông sẽ cấp giấy mới cho các đối tượng được phép lưu thông”, thượng tá Dương nói.
Sở, ngành sẽ là đấu mối tổng hợp số lượng người (được phép di chuyển) tại các đơn vị, cơ quan trực thuộc rồi gửi cho Công an TP cấp giấy, cụ thể là Phòng PC08 và công an quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.
“17 nhóm tại công văn 2800 và nhóm bổ sung tại công văn 2850 được phép lưu thông phải thông qua đơn vị quản lý chủ trì cung cấp danh sách. Đơn vị sở ngành quản lý chủ trì phải tổng hợp danh sách gửi đến Phòng Cảnh sát giao thông để phòng gửi giấy đi đường có chữ ký và đóng dấu của phòng gửi cho cơ quan chủ trì.
Ví dụ, Sở Thông tin và truyền thông sẽ tổng hợp, tập hợp danh sách của các đơn vị trực thuộc quản lý với số lượng người là 10%, sau đó sở gửi danh sách qua phòng, phòng có nhiệm vụ căn cứ số lượng của danh sách mà cấp giấy, cơ quan chủ trì sẽ nhận và phát lại cho người trong danh sách”, thượng tá Dương giải thích.
Theo trưởng Phòng PC08, giấy đi đường phải sử dụng đúng mục đích, hoạt động trong nội thành, sử dụng đúng công việc, hạn chế việc di chuyển tránh phát sinh lây lan dịch bệnh.
Cùng ngày, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, thượng tá Lê Mạnh Hà – phó trưởng phòng tham mưu Công an TP.HCM – cho biết trưởng công an huyện tham mưu cho chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, trưởng công an xã tham mưu cho UBND xã khẩn trương tập hợp danh sách, số lượng giấy đi đường được cấp theo diện được phép lưu thông (theo phụ lục công văn 2800 mã số 12, 13, 14B và 1 phần phụ lục mã số 1A do UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn quản lý), và báo cáo số lượng về Phòng tham mưu Công an TP để nhận phiếu về cấp cho các đối tượng thuộc thẩm quyền.
Phòng PC08 in, ký cấp giấy về các đơn vị cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể… theo quy định tại công văn 2800 để cấp đến cán bộ, công nhân viên và các đơn vị thuộc diện quản lý cấp giấy (cấp cho đối tượng còn lại theo phụ lục; các cơ quan, đơn vị quản lý đã được cấp mã tại phụ lục là đầu mối tập hợp các đối tượng thuộc ngành nghề theo quy định và gửi về Phòng PC08).
Người dân, doanh nghiệp nộp danh sách về đơn vị chủ quản tập hợp. Nếu giấy đi đường mà Công an TP ủy quyền thì trưởng công an quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ ký và đóng dấu cấp cho những người được phép lưu thông. Nếu nhóm nào thuộc thẩm quyền trưởng công an phường, xã, thị trấn ký thì giao cho địa phương này ký, đóng dấu.
“Cấp giấy là Công an TP cấp hết, nhưng người ký giấy và đóng dấu thì theo thẩm quyền. Nhưng phải cấp giấy tập trung qua đầu mối các sở ngành, tức là sở ngành sẽ tập hợp số lượng từ các đơn vị, cơ quan trực thuộc quản lý rồi gửi cho Công an TP cấp giấy”, thượng tá Hà cho hay.
Cũng theo ông Hà, trong trường hợp ngày mai (25-8), Công an TP chưa cấp giấy đi đường mẫu mới cho những người trong 17 nhóm được phép lưu thông thì tùy tình hình sẽ “lưu ý các chốt, trạm xử lý linh động”.
Theo nội dung công văn 2850 của UBND TP.HCM: “Công an TP.HCM là đơn vị in và ký cấp giấy (hoặc ủy quyền cho PC08, công an địa phương các cấp ký) cho toàn bộ các nhóm đối tượng trên; đề nghị các sở, ngành, quận, huyện và các đơn vị có liên quan cung cấp số lượng và danh sách về Công an TP trước 21h ngày 23-8. Khi chưa có giấy đi đường nêu trên của Công an TP thì vẫn áp dụng các loại giấy đi đường đã quy định tại công văn 2800, 2796 cho đến 0h ngày 25-8″.
Việc triển khai này chỉ trong vòng 24h đồng hồ thì làm sao người dân và doanh nghiệp kịp thực hiện. Nhất là, khi có nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa nghỉ hoàn toàn từ khi thực hiện Chỉ thị 16 tại TP HCM từ ngày 9/7 và chủ doanh nghiệp đã nhanh chóng về quê để tránh dịch, chỉ để lại bộ phận bảo vệ luân phiên trực tại trụ sở doanh nghiệp để gìn giữ tài sản và phòng cháy chữa cháy thì làm sao có người đại diện pháp luật và con dấu để làm thủ tục đăng ký với địa phương cho nhân viên của mình. Thật là một quy định mà doanh nghiệp không thể lường trước mà thực hiện được.
Một vấn đề nữa, đó là Nhà nước triển khai tổng đài 1022 để hỗ trợ người dân trong dich bênh, nhưng kết quả thế nào? Theo báo Lao Động đưa tin mới đây:
…. người dân cho biết, thời gian gần đây, nhiều người không gọi được cho tổng đài 1022. Trong đó, có trường hợp của bệnh nhân đi 5 viện cấp cứu rồi về nhà tử vong cũng gọi tới 1022 nhưng không được bắt máy.
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Khánh – Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Bình Dương – cho biết lý do là hiện tổng đài 1022 đang bị quá tải. Sở có 8 người chuyên nghiệp và 32 tình nguyện viên hỗ trợ làm việc liên tục 24/24h. Khung giờ cao điểm từ 9h sáng đến 21h đêm có rất nhiều cuộc gọi.
Sở bố trí nhân viên làm việc liên tục nhưng cuộc gọi quá nhiều khiến quá tải đường truyền chứ không có việc “gọi không ai nghe”.
Đó là một số ít những vấn đề khó khăn trong công tác chống dịch mà người dân phải thực hiện. Chưa kể nhiều địa phương lại có cách điều hành khác nhau, khiến người dân và doanh nghiệp lúng túng dẫn đến bất cập và bức xúc. Mong rằng khi một chủ trương được đưa ra thực hiện, một văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, hãy nhìn nhận tính khả thi của nó, đó là hợp lý. Nếu chúng ta chưa nhìn thấy hết tính hợp lý hay chưa hợp lý của mệnh lệnh, thì tất nhiên mâu thuẫn đã phát sinh ngay từ khi soạn thảo văn bản, chẳng khác nào bảo người ta “lấy mũi ngửi lưng” vậy.
Để khống chế và dần dần chiến thắng được dịch bệnh Covid-19 chúng ta phải xác định “đây là một quá trình lâu dài”; chính vì vậy chúng ta cần phải bình tĩnh, tỉnh táo, sáng suốt, không nóng vội. Cần có chiến lược căn cơ, chứ không ảo tưởng giải quyết trong một sớm một chiều được. Cần có một đường lối an dân để vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa chống dịch hiệu quả. Trong suốt quá trình đó, mỗi người chúng ta cần phải có một mệnh lệnh lớn hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, đó là “Mệnh Lệnh Từ Trái Tim”. Một khi mệnh lệnh đó luôn luôn thôi thúc chúng ta hành động, thì mọi việc sẽ được sắp xếp và giải quyết hợp lý hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều lo lắng của người dân sẽ mất đi và lòng tin sẽ đong đầy trở lại./.
LNT
Xem thêm: