Tất cả chúng ta đang gồng mình lên để chống chọi đại dịch Covid và hệ quả của nó, nhưng chỉ chống dịch không thôi chưa đủ, chúng ta cần phải chống đói và hệ quả của nó nữa.
Sài Gòn đang mùa mưa, gió phần phật mang theo hơi lạnh khiến người phụ nữ đi trên chiếc xe wave chạy chậm lại, chị ngó nghiêng như đang tìm kiếm gì đó, tôi nhắc chị nếu không có việc gì quan trọng thì nên ở nhà, kẻo lại bị phạt. Chị dương đôi mắt sâu hoắm vằn đỏ nhìn tôi đầy giận dữ:
– Việc ra sao mới quan trọng ? mạng người có quan trọng không?
Tôi chùng người lại nhìn về phía trước để tránh đôi mắt ướt buồn thâm quầng ấy, tôi không đủ can đảm nhìn chị lâu hơn để biết đó là nước mắt hay nước mưa, nhưng tôi cảm nhận được sự tức giận trong chị, nó cứa vào lòng tôi đau nhói.
Chị vẫn thường được mọi người gọi là người mẹ vĩ đại khi từ bỏ đi tất cả đề giành quyền nuôi hai đứa con thơ, mọi thứ đã dần ổn định thì cơn đại dịch ập tới, khiến mẹ con chị chông chênh như ngọn đèn trước gió.
-“Mẹ ơi, bao giờ hết dịch?”, “Mẹ ơi, con đói “, “Mẹ ơi, sao mẹ nói ở yên trong nhà sẽ hết dịch, mà con ở nhà lâu rồi sao dịch không hết mẹ, mẹ nói dối con phải không ?”… Chị trở thành người mẹ nói dối trong mắt các con.
Khi Chỉ thị 16 ban ra, chị gom góp nhặt nhạnh tích trữ đồ ăn, đủ cho ba mẹ con an tâm sống yên ổn trong 2 tuần, Chị nghĩ so với nhiều người, chị sướng gấp bội. Chị nhanh tay mua được một tủ lạnh đầy thịt cá rau củ, nhẩm tính số tiền dư còn lại đủ để đóng tiền nhà cho tháng sau. Chị an tâm đóng cửa ở yên trong nhà với niềm tin Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch Covid.
Chỉ Thị 16+ thêm 2 tuần nữa, chị động viên bản thân cố gắng gồng mình vượt qua, cũng may chủ nhà cho nợ tiền trọ nên mẹ con chị rau cháo lay lắt qua ngày, hành động của chị chủ nhà, khiến chị cảm thấy ấm lòng giữa đại dịch.
Tiếp tục giãn cách xã hội thêm 1 tháng nữa, chị bắt đầu hoảng sợ. Chị khóc, bởi chị biết không ai thương mình bằng chính mình. Trong đầu chị chỉ nghĩ cách làm sao để con có cái ăn, còn lại mọi thứ khác đối với chị lúc này không còn quan trọng nữa rồi.
Chị biết kêu gào đến ai bây giờ, khi mà xung quanh ai cũng khó khăn chồng chéo. Chị ước mình giàu có, tiền bạc dư dả, thì chị bất chấp, dịch cả năm cũng không ảnh hưởng chi đến mẹ con chị. Đêm đêm, khi 2 đứa con ngủ, cái đói ùa về kêu réo trong bụng đến xót ruột, chị ráng gồng mình chịu đựng để nhường cái no cho con, nhưng gồng được đến bao giờ thì chị không biết !
Chị nói dối rồi khóa 2 đứa con trong nhà, chị lao ra đường. Không có việc quan trọng thì không được ra đường, chị biết lắm chứ, chị có ngu đâu; “Tôi không thể trụ hơn được nữa, con tôi cần đồ ăn? Các người có tiền để đi mua cái này cái kia, còn tôi không có tiền thì phải làm sao hả, chú trả lời tôi đi“. Chị xoáy sâu vào tâm can tôi bằng tiếng khóc nức nở.
Đọc báo chị thấy nói nhiều nơi được tiếp tế trợ cấp gạo rau mì từ các nhóm từ thiện giữa mùa dịch, chị mừng vội lao ra khỏi nhà, với hy vọng gặp được ai đó đang phát tâm bồ đề và chị sẽ may mắn kiếm được thứ gì đó mang về cho các con, đói khổ chị chịu đựng được, nhưng nhìn hai đứa con đói khát, bản năng của một người làm mẹ trong chị không thể chịu đựng nổi, chị phải bất chấp mọi hiểm nguy và chỉ thị để xiêu vẹo quăng mình ra đường như thế.
Chia tay, bóng chị nhỏ dần trên đoạn đường dài vắng lặng, tôi xót xa nghĩ tới những ngày dài phía trước của mẹ con chị. Phải, ở nhà là yêu nước, là góp phần đẩy lùi dịch bệnh, nhưng ở nhà mà cái đói hoành hành, con thơ nheo nhóc, thì họ phải hành động theo bản năng sinh tồn, đó là lẽ đương nhiên.
Nỗi đau này ai thấu, dẫu biết trong cơn hoạn nạn này, nhà nước cũng đang gồng mình chống dịch như chống giặc, tuyến nào cũng mệt nhọc rã rời vì covid, nhưng há phải chúng ta đang làm tất cả vì dân, do dân và cho dân sao? Vậy thì tại sao không đảm bảo đời sống cho người dân? Tại sao để dân lâm cảnh đói khổ? Khi ra các quyết định về chống dịch , phải chăng chúng ta đã quên đi sự tồn tại của người lao động nghèo khổ? Khi ban hành văn bản yêu cầu người dân không được đi ra đường, người ta đã quên rằng dân cần ăn, cần uống? Dân tiến cũng không được, lùi cũng không xong. Ở lại thì chết đói, hồi hương thì bị cấm cản, vậy dân tôi biết sống thế nào đây.
Chúng ta luôn khuyên mọi người đừng hoang mang trước covid, họ đã tin tưởng, nhưng giờ đây, họ đang hoang mang trước cái đói, thì khuyên họ thế nào đây ? 1,5tr hỗ trợ có đủ cho họ húp cháo trong 2 tháng giãn cách không? Việc họ sợ đói hơn sợ covid, cũng là điều dễ hiểu.
Có thực mới vực được đạo, há chẳng phải câu nói các cụ ngàn đời răn dạy chúng ta sao! Chính phủ nên có cái nhìn tường tận hơn để hiểu đời sống người dân, biết dân cần gì và mong muốn ra sao, tất cả phải phải lấy dân làm gốc, phải vì dân, do dân và cho dân.
Chúng ta dập dịch, nhưng phải đảm bảo nhu cầu sinh tồn của người dân; Việc ngăn sông cấm chợ để bao kẻ lợi dụng tăng vọt giá cả diễn ra cảnh ế đồng đắt chợ là điều vô cùng tai hại tại thời điểm nhạy cảm này. Đừng giành tất cả các bệnh viện cùng y bác sỹ chỉ để phục vụ bệnh nhân covid mà từ chối những ca bệnh khác, đau lòng lắm.
Đọc thêm bài: Bao giờ hết dịch Covid. Từ Thiện Giữa Mùa Dịch
Comment on “Khi Cái Đói Hoành Hành”