Cha mẹ bỗng dưng trở thành nguồn cung vô điều kiện cho những nhu cầu của chúng ta như một quán tính của tư duy. Và như thế, chúng ta cứ trải qua thời niên thiếu trong cái tư duy ấy, bởi vậy tại sao trẻ em hay đòi hỏi, thậm chí tư duy phải được bảo bọc này còn theo chúng ta mãi đến tuổi “trưởng thành”…
- Ai sinh ra chúng ta ? Có bao giờ chúng ta nghĩ về điều đó. Sự thật giản đơn là vậy mà mấy ai lưu ý tới. Chúng ta chỉ nghĩ về điều đó khi có ai hỏi rằng: Cha mẹ bạn là ai? Cha mẹ bạn là người như thế nào ? Họ có ý nghĩa ra sao với bạn ? Liệu rằng không có họ thì bạn có được như ngày hôm nay hay không ? Thường thì chúng ta hay tự hào về những điều mình làm được, nhất là danh vọng, tiền tài, địa vị, học vấn…để khoe với thiên hạ, chứ ít ai ca ngợi về đấng sinh thành của mình.
- Nhiều người thậm chí khi nghĩ đến cha mẹ là nghĩ về những điều khắt khe, là nghĩ về những trận đòn roi mình hứng chịu thời thơ ấu. Ký ức đau buồn thường khiến con người ta lưu giữ và nhớ về nó nhiều hơn những ngọt ngào êm dịu.
- Đã có một thời rất dài, cha mẹ là chén cơm khi ta đói lòng, là manh áo khi ta lạnh lẽo, là cái bánh khi mẹ đi chợ về, là những viên thuốc khi chúng ta đau bệnh…. Cha mẹ bỗng dưng trở thành nguồn cung vô điều kiện cho những nhu cầu của chúng ta như một quán tính của tư duy. Và như thế, chúng ta cứ trải qua thời niên thiếu trong cái tư duy ấy, bởi vậy tại sao trẻ em hay đòi hỏi, thậm chí tư duy phải được bảo bọc này còn theo chúng ta mãi đến tuổi “trưởng thành”. Cái quán tính xấu xa ấy, thậm chí đã đưa đẩy rất nhiều người con chỉ biết xem cha mẹ như nồi cơm Thạch Sanh hoặc cây đũa thần của bà tiên, để đáp ứng những nhu cầu vật chất của bản thân mình. Những người có tư duy này, là những người ích kỷ trong suy nghĩ, và tất nhiên sẽ trở thành kẻ ích kỷ trong hành động. Mọi khái niệm của họ nghĩ trong đầu thường liên quan đến lợi ích vật chất, và thật trớ trêu thay, thứ vật chất ấy không phải do họ tự tạo ra nhưng lại muốn người mang đến cho họ là cha là mẹ mà lẽ ra việc đó phải được làm ngược lại.
- Chúng ta thấy rằng trong nhân gian, khi nói về bản thân, người đời thường nói rằng: Tôi là một nhà khoa học, tôi là một nhà chính trị, tôi là một nhà giáo dục, tôi là một nhà văn hóa thể nào, tôi là một nhà vô địch…. nhưng đã có mấy ai tự vỗ vào ngực mình nói rằng tôi là một người hiếu thảo? Phải chăng sự hiếu thảo nó còn khó hơn cả khoa học, chính trị, văn hóa và vô địch ?
- Chúng ta thử làm một phép toán nhỏ: Một ngày có 24h, 1h có 60 phút, 1 phút có 60 giây. Vậy chúng ta hãy thử xem suy nghĩ của ta giành cho đấng sinh thành được bao nhiêu giây, bao nhiêu phút mỗi ngày. Rõ ràng là hầu như trong mỗi chúng ta, những thời khắc giành cho cha mẹ thường rất ít ỏi, đó là chưa nói đến những suy nghĩ về cha mẹ thường là quyền lợi vật chất và đáp ứng nhu cầu nhiều hơn trách nhiệm của người con đối với bậc sinh thành, thậm chí tệ hại hơn có những người con còn nguyền rủa cha mẹ mình đã không cho mình một cuộc sống vật chất đầy đủ hơn người. Đa phần của nhân loại phải chăng họ nghĩ rằng cha mẹ là một cái mỏ vô tận để họ vào khai thác suốt đời, nhưng trên đời này chẳng bao giờ có một cái mỏ nào vô tận đáp ứng được lòng tham của con người, để rồi đến lúc cha mẹ cạn kiệt, thì chỉ nhận lại muôn vàn lời trách móc từ con cái.
- Có một quy luật rất phổ biến trên cõi đời này, chính là cha mẹ luôn phấn đấu và làm việc quần quật tạo ra của cải, xây dựng cơ nghiệp để lại cho con cháu mai sau. Trong khi đó, có rất ít con cháu phải làm việc quần quật để phụng dưỡng cha mẹ, mà hầu như con cái chia sẻ cho cha mẹ chỉ một phần nhỏ vật chất của mình kiếm được cũng đã cảm thấy mình có hiếu thảo rồi. Cũng chính vì vậy, có một sự thật vô cùng trớ trêu của nhân loại là bữa ăn chu đáo nhất mà con cái giành cho cha mẹ chính là ngày giỗ.... Một sự thật quá đau lòng phải không các bạn ?
- Cha mẹ là bồ tát sinh ra ta, nuôi dưỡng ta, cứu giúp ta như một sứ mệnh cao cả. Còn chúng ta sẽ cung kính cúng bái họ khi họ đã về trời chăng.
- Xin hãy hiếu hạnh với cha mẹ mình, khi còn có thể, đó là điều mà đạo làm con nên thực hiện mỗi ngày.
Người viết: Adorasam
Đọc thêm: Cởi bỏ sân hận