Có lẽ chưa bao giờ kể từ khi Việt Nam hoàn thành cuộc chiến đấu cam go bảo vệ tổ quốc đến nay, thì cả đất nước ta lại cùng nhau kề vai sát cách chiến đấu với một kẻ thù vô hình là dịch bệnh COVID-19.
Cả nước chung sức đồng lòng chiến thắng giặc dịch
Đại dịch COVID-19 do virus SARS-CoV-2 bắt đầu xuất hiện trên thế giới khoảng cuối năm 2019 và lây truyền qua Việt Nam, gây ra trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên vào ngày 23/01/2020. Qua 4 đợt dịch bùng phát với nhiều loại biến thể có tốc độ lây nhiễm khó lường.
Trong thời gian cao điểm bùng phát dịch, nhất là từ ngày 9/7/2021 dến nay nhiều tỉnh thành trong cả nước đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ để chống dịch, khiến cho rất nhiều hoạt động trong đời sống xã hội bị xáo trộn, nhất là việc làm và thu nhập của người lao động bị tổn thất không nhỏ. Bên cạnh đó, hiện trạng các ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng rất nhanh, đi đôi với sự khan hiếm hàng hóa cục bộ xuất hiện và việc tăng giá hàng hóa từng ngày đã gây cho khá nhiều người dân tỏ ra hoang mang.
Nhưng không sao, Việt Nam sẽ vượt qua được đại dịch này bởi vì :
- Việt Nam có một chính quyền năng động, được tổ chức chặt chẽ, biết phát huy sức mạnh của cả một hệ thống chính trị và người đứng đầu chính phủ luôn quan tâm sâu sát đến hoạt động xử lý dịch bệnh.
- Hầu hết người dân Việt Nam cơ bản có ý thức phòng chống dịch tốt, tuân thủ nghiêm túc quy định Nhà nước.
- Môi trường sản xuất kinh doanh của Việt Nam vẫn được duy trì hiệu quả trong suốt thời gian 18 tháng qua (lấy thời điểm từ 23/01/2020 đến 23/07/2021) từ khi phát sinh dịch bệnh cho đến nay, mặc dù nhiều nghành nghề gặp rất nhiều khó khăn nhưng sản phẩm hàng hoá vẫn tương đối ổn định, đáp ứng chuỗi cung ứng hàng hóa cho toàn xã hội.
- Ngành Y tế và các nhà khoa học đã và đang làm việc với một tinh thần cống hiến quên mình vì tổ quốc vì nhân dân.
Tuy nhiên, để nhanh chóng vượt qua đại dịch Việt Nam cần phải có sự điều chỉnh phù hợp hơn cả trong nhận thức lẫn hành động, làm sao những biện pháp thực hiện phải đạt hiệu quả nhanh hơn, nhiều hơn nữa:
- Thứ nhất: Việt Nam chúng ta không nên kỳ vọng rằng có thể tự mình đẩy lùi một sớm một chiều dịch bệnh COVID – 19 trong khi cả thế giới vẫn chưa tiêu diệt hoàn toàn dịch bệnh này. Cho nên chúng ta cần xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho rõ hơn về việc đảm bảo cuộc sống ổn định, nâng cao sức khỏe người dân và được làm việc trong điều kiện an toàn khi COVID-19 cùng các biến thể của nó vẫn còn tồn tại. Tư tưởng “Chống dịch như chống giặc” là cực kỳ chính xác và loại “giặc” này xâm nhập vào đất nước ta trong bao lâu thì chúng ta vẫn quyêt tâm quét sạch đến cùng để mang bình yên trở lại cho non sông đất nước; đây là một việc lớn.
- Thứ hai: Việc lớn muốn thành thì Nhà nước và nhân dân đều phải đồng tâm hợp lực, mọi mặt mới thông suốt, việc làm mới đạt hiệu quả cao. Nhưng muốn đạt hiệu quả cao thì vấn đề lợi ích chung và lợi ích riêng phải được hài hòa. Bởi vì nếu cuộc chiến với COVID chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn thì nhân dân có thể chịu đựng một cách rất đơn giản. Tuy nhiên, cuộc chiến này đã kéo dài qua suốt 18 tháng với 4 đợt bùng phát dịch bệnh thì vấn đề chung và riêng cần phải được giải quyết ổn thỏa để mọi người cùng yên tâm chống dịch. Hành động quyết liệt song tư tưởng phải thông suốt thì mọi việc mới diễn ra trong ổn định, không bị xáo trộn. Muốn vậy phải ổn định được cuộc sống người dân bởi vì một khi ngừng lao động sản xuất, kinh doanh nghiễm nhiên thu nhập người dân không còn, nhất là người làm công ăn lương vấn đề cơm áo gạo tiền, chi phí cho cuộc sống bị tổn thất, khó khăn rất nhiều.
- Thứ ba: Việc yêu cầu người dân giãn cách xã hội là một biện pháp đúng đắn, nhưng không nên làm tê liệt mọi hoạt động xã hội, không nên áp dụng cứng nhắc. Lực lượng chức năng tham gia công tác phòng chống dịch cần có thái độ cương quyết trong hòa nhã, lấy hướng dẫn thuyết phục giải thích làm trọng, làm sao để người dân hiểu sâu sắc ý nghĩa quan trọng của việc hạn chế tiếp xúc chống dịch và tự giác chấp hành hơn là chú trọng vào xử phạt người đi lại.
- Thứ tư: Các phương tiện truyền thông nên góp phần tuyên truyền để người dân yên tâm, không nên có những bài viết, câu văn khiến người đọc bất an, gây tâm lý hoang mang. Truyền thông cần phải giúp người dân bình tĩnh hơn, lạc quan hơn, hiểu rõ vấn đề hơn và giới thiệu cho nhân dân những phương pháp phòng bệnh dịch chứ không chỉ là đưa những con số đơn điệu về lượng ca nhiễm ngày càng tăng.
- Thứ năm: Công tác lưu thông hàng hóa tiêu dùng cho người dân là việc hết sức quan trọng (cũng giống như vấn đề quân lương hậu cần trong quân đội vậy), nó góp phần vô cùng quan trọng để người dân yên tâm cách ly và giãn cách xã hội. Vì một khi hàng hóa thiếu thốn, giá cả tăng cao sẽ tác động rất lớn đến việc người dân phải rời nơi cư trú tìm lối thoát để tồn tại khiến tình hình càng khó kiểm soát hơn. Chính vì vậy mở rộng các kênh phân phối, tái hoạt động lại các chợ truyền thống không những đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người sản xuất mà còn giải tỏa được tâm lý và thực trạng khát hàng hóa của đại bộ phận nhân dân trong giai đoạn khó khăn này.
- Thứ sáu: Nhìn lại quá trình phòng chống dịch trong nước và trên thế giới chúng ta hoàn toàn tự tin vào bộ máy chính quyền đã xử lý hiệu quả. Số liệu cho thấy đến nay (23/7/2021) thế giới có 193 triệu ca nhiễm chiếm tỷ lệ khoảng 2,4% dân số thế giới; số ca tử vong 4,14 triệu người tương đương 2,1%/số ca nhiễm. Còn tại Việt Nam số ca nhiễm tổng cộng đến nay là 78.269 ca chỉ chiếm tỷ lệ 0,08% dân số. Số ca tử vong 370 người chỉ tương đương 0,47%/số ca nhiễm mà hầu hết là người có tiền sử bệnh nền. Trong khi đó một số nước Đông nam Á có tỷ lệ nhiễm cao hơn rất nhiều như Malaysia nhiễm 3%, Philippine nhiễm 1,36%, Indonesia nhiễm 1,04%, Thailand nhiễm 0,57%. Ngoài ra Việt Nam cũng đã có 13.421 người khỏi bệnh, đạt tỷ lệ trên 17%/ca nhiễm. Điều đó chứng tỏ hiệu quả điều trị của ngành Y tế chúng ta rất tốt trong hoàn cảnh chưa có nguồn cung vaccin đầy đủ.
- Thứ bảy: Chúng ta cần phải tiếp tục đoàn kết chống dịch và áp dụng thật tốt những việc cần phải làm trong đó: giãn cách hợp lý, thậm chí giãn dân một cách có tổ chức khỏi những thành phố lớn để thuận lợi trong xử lý dịch; cung ứng hàng hóa thật tốt, hạn chế việc tăng giá, nhất là hỗ trợ nhiều người khó khăn để đảm bảo cuộc sống người dân và an tâm giãn cách; nhanh chóng thực hiện xét nghiệm toàn dân để xác định người nhiễm nguồn nhiễm nhằm xử lý triệt để, phòng dịch hiệu quả nơi chưa bị nhiễm; ưu tiên tăng cường lực lượng và phương tiện cho những địa phương đang bùng phát dịch để nhanh chóng khống chế dịch bệnh hiệu quả; phát huy tối đa nguồn lực tài chính, nguồn lực khoa học để tạo sức mạnh đòn bẩy chống dịch. Cuối cùng là bài toán vaccin để tạo miễn dịch cộng đồng tốt nhất.
Không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua
Tất cả những gì chúng ta đã làm tốt thì hãy làm tốt hơn, những thiếu xót thì rút kinh nghiệm kịp thời để khắc phục ngay. Bằng tất cả quyết tâm, ý chí, nghị lực và trí tuệ của một dân tộc anh hùng chúng ta hy vọng trong năm 2021 đất nước Việt Nam thêm một lần nữa chứng minh với thế giới rằng: Không có khó khăn nào chúng ta không vượt qua. /.
LNT
xem thêm: Đừng hoang mang trước Covid
Comments on “VIỆT NAM SẼ CHIẾN THẮNG COVID-19 TRONG NĂM 2021”